Take a fresh look at your lifestyle.

Vai trò OCOP đối với phát triển kinh tế vùng dân tộc thiểu số

0 45

Công tác tuyên truyền, quảng bá là một trong những hoạt động chủ đạo giúp bảo tồn di sản văn hóa các dân tộc anh em tại Việt Nam. Bên cạnh đó, những chương trình phát huy nội lực, tối ưu thế mạnh địa phương, tiêu biểu như OCOP đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế, nâng cao chất lượng đời sống, cải thiện thu nhập cho cộng đồng dân tộc thiểu số.

Thực hiện Hướng dẫn số 677/HD-BVHTTDL ngày 03/3/2022 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bộ VHTTDL) về việc triển khai thực hiện dự án bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, gắn kết du lịch cộng đồng dân tộc thiểu số; đồng thời hưởng ứng Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội miền núi giai đoạn 2021 đến năm 2025, các địa phương tập trung nhiều dân tộc sinh sống như Hòa Bình, Tuyên Quang, Gia Lai, Quảng Nam, Quảng Bình,… đã triển khai nhiều chương trình, hoạt động văn nghệ quần chúng làm giàu bản sắc văn hóa, tạo động lực phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc ít người.

Vai trò OCOP đối với phát triển kinh tế vùng dân tộc

 Việt Nam là quốc gia đa dân tộc với nhiều lễ hội, văn hóa, tín ngưỡng đặc sắc, đa dạng

Cụ thể, theo thông tin từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bộ VHTTDL), thời gian qua, tỉnh Hòa Bình đã tổ chức nhiều chương trình phục dựng, giới thiệu hiệu quả văn hóa dân tộc thiểu số đến đông đảo người dân, điển hình như Hội nghị chuyên đề công tác quản lý nhà nước về di tích và lễ hội; Tuần lễ văn hóa, du lịch Hòa Bình năm 2019; Đề án bảo tồn, phát huy giá trị Di sản văn hóa Mo Mường Hòa Bình năm 2019 – 2025 và những năm tiếp theo; Lễ hội Khai hạ Mường Bi năm 2020,… Những hoạt động này đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, khuyến khích người dân tham gia sinh hoạt, đồng thời thực hiện tốt chính sách tuyên truyền, quảng bá do ban chỉ đạo đề ra trước đó.

Vai trò OCOP đối với phát triển kinh tế vùng dân tộc thiểu số

Cộng đồng người dân tộc Bru – Vân Kiều tại miền núi Quảng Bình

Bên cạnh giữ gìn di sản văn hóa phi vật thể, những đề án thúc đẩy nội lực và gia tăng giá trị hàng hóa, tiêu biểu như Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) cũng được đánh giá cao nhờ phản ánh đúng nhu cầu cải thiện chất lượng đời sống, gia tăng thu nhập cho cộng đồng dân tộc ít người. Ông Phạm Tấn Lộc, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Nông nghiệp hữu cơ Lộc Việt cho biết, hưởng ứng chương trình do Thủ tướng Chính Phủ đề ra, doanh nghiệp đã hợp tác cùng cộng đồng dân tộc Bru – Vân Kiều, kết nối tiêu thụ giống sả chanh giàu tiềm năng tại địa phương. Từ nguồn nguyên liệu này, công ty đã tạo nên mặt hàng tinh dầu sả chanh đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh Quảng Bình trong năm 2020. Hơn 40 hộ gia đình đã tham gia tổ hợp tác với mức thu nhập trung bình dao động từ 65 đến 75 triệu đồng/năm.

phát triển kinh tế vùng dân tộc thiểu số

Sản phẩm thổ cẩm Glar đặc trưng của người Bahnar tham gia hội chợ việc làm Đăk Đoa 2022

Ngoài mặt hàng nông sản, các sản phẩm thủ công, làng nghề dệt may thổ cẩm của đồng bào dân tộc miền cao cũng mang lại giá trị kinh tế không nhỏ giúp người dân giải quyết việc làm, gia tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo. Ông Bùi Quang Thoại, Phó Chủ tịch UBND xã Glar (Gia Lai) cho biết, với sản phẩm túi thổ cẩm Glar đạt chứng nhận OCOP 3 cấp tỉnh trong năm 2019, HTX Nông nghiệp và dệt thổ cẩm Glar đã tạo động lực cho nhiều hộ sản xuất, kinh doanh tại xã Glar, huyện Đăk Đoa tiếp tục giữ lửa với nghề, đưa thương hiệu thổ cẩm Bahnar vươn xa trên thị trường quốc tế.

 phát triển kinh tế

 HTX nông nghiệp và dệt thổ cẩm truyền thống Lục Nghiệp Thành

Bên cạnh đó, không thể không kể đến các mặt hàng váy, mũ, áo, khăn, nón,… từ HTX nông nghiệp và dệt thổ cẩm truyền thống Lục Nghiệp Thành. Đây là tổ hợp tác tập trung khoảng 300 chị em dân tộc người Mường làm việc tại nhiều đơn vị sản xuất trên địa bàn xã Yên Nghiệp, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình. Với độ tinh xảo, tỉ mĩ cao, sản phẩm dệt thổ cẩm của HTX nhận đánh giá OCOP 3 sao cấp tỉnh trong năm 2020. Không những thế, sản phẩm OCOP dân tộc túi thổ cẩm A ĐHir từ HTX dệt thổ cẩm Za Ra cũng được hội đồng thẩm định UBND Quảng Nam đánh giá cao và chọn làm mặt hàng đặc trưng của tỉnh từ năm 2019. Qua đó, tạo nên mô hình làng du lịch cộng đồng giúp gắn kết tiêu thụ sản phẩm hiệu quả tại xã TaBhing, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam.

Vai trò

Chị em người dân tộc Cơ Tu đang dệt túi A ĐHir

Thông qua chương trình OCOP, nhiều sản phẩm nông sản, mặt hàng thủ công chủ lực của đồng bào miền núi đã tiếp cận dễ dàng hơn với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Từ đó, mở ra cơ hội kết nối, duy trì hợp tác ổn định cùng các doanh nghiệp, tạo động lực phát triển kinh tế bền vững, góp phần bảo tồn giá trị văn hóa, khôi phục sản phẩm làng nghề, đồng thời cải thiện chất lượng đời sống vùng dân tộc miền cao.

Thái Sơn

Banner Trang Chi Tiết – Dưới bài viết
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.

error: Content is protected !!