(Chinhphu.vn) – Thông tin từ Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam (MXV), lực mua quay trở lại thị trường hàng hoá sau ngày nhóm nông sản đóng cửa nghỉ lễ. Chốt phiên hôm qua 17/1, sắc xanh chiếm ưu thế trên bảng giá hàng hoá nguyên liệu thế giới đã kéo chỉ số MXV- Index đảo chiều tăng nhẹ 0,6% lên 2.442 điểm. Dòng tiền đầu tư trong nước cũng đã quay trở lại thị trường, tăng mạnh lên trên 4.000 tỷ đồng.
MXV- Index
Dầu thô lấy lại xu hướng tăng
Kết thúc phiên giao dịch ngày 17/1, giá dầu tiếp tục xu hướng tăng sau khi loạt dữ liệu tích cực hơn dự kiến của nền kinh tế lớn thứ 2 trên thế giới, Trung Quốc, và sau Báo cáo thị trường dầu thô thế giới của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC). Dầu WTI ghi nhận mức tăng 0,4% lên 80,18 USD/thùng. Dầu Brent chốt tại 85,92 USD/thùng, tăng 1,73%.
Bảng giá Năng lượng
Lực mua đã được thúc đẩy ngay từ phiên mở cửa, đặc biệt là sau khi Trung Quốc công bố một loạt dữ liệu tích cực hơn dự đoán, làm tăng niềm tin vào sức phục hồi kinh tế sau đại dịch. Cụ thể, mặc dù tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc năm 2022 tăng 3% so với năm 2021, nhưng con số này cũng nằm trong dự tính do yếu tố từ dịch bệnh và ngành bất động sản đóng băng. Tuy nhiên, tính riêng quý IV năm 2022, tốc độ tăng trưởng GDP ghi nhận tăng 2,9% so với cùng kỳ năm 2021, vượt dự báo của các nhà kinh tế ở mức 1,8%. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng sản lượng công nghiệp, đầu tư tài sản cố định và doanh số bán lẻ của quốc gia này trong tháng 12 cũng bất ngờ cao hơn mức dự đoán của các chuyên gia kinh tế. Điều này đang củng cố cho tâm lý lạc quan vào tốc độ tăng trưởng GDP sớm phục hồi trong năm nay, đem lại bức tranh sáng sủa hơn cho thị trường dầu thô và hỗ trợ cho đà tăng của giá.
Cùng đưa ra nhận định tích cực cho năng lực tiêu thụ dầu tại Trung Quốc, Báo cáo thị trường dầu thô của OPEC cũng đã kéo giá dầu tiếp tục đà tăng. Cơ quan này dự báo nhu cầu dầu của Trung Quốc sẽ tăng 510.000 thùng/ngày trong năm nay so với năm 2022. Sự phục hồi mạnh mẽ sẽ diễn ra kể từ quý II/2023 sau khi nhu cầu giảm trong quý I. Tuy nhiên, OPEC cũng cho thấy mặc dù tiêu thụ tại Trung Quốc khởi sắc nhưng với các khu vực khác dự kiến sẽ có sự sụt giảm nhẹ do những thách thức kinh tế. Do vậy, tổ chức này đã giữ nguyên mức dự báo nhu cầu cho năm 2023 vẫn sẽ tăng 2,2 triệu thùng/ngày so với năm 2022. Điều này khiến cho đà tăng của giá dầu không quá mạnh.
Trong khi đó, về nguồn cung, báo cáo lần này cho thấy tăng trưởng sản xuất chất lỏng ngoài OPEC không thay đổi so với đánh giá của tháng trước ở mức 1,5 triệu thùng/ngày trong năm 2023 so với năm trước. Sản lượng dầu thô của OPEC-13 đạt trung bình 28,97 triệu thùng/ngày trong tháng 12 năm 2022, cao hơn 91.000 thùng/ngày so với tháng trước, nhưng vẫn ở dưới mức hạn ngạch đặt ra. Do tháng trước, nhóm OPEC-10 cắt giảm sản lượng thực tế thấp hơn mục tiêu ở mức 1,2 triệu thùng, trong khi tháng 12 sản lượng vẫn tăng lên, khiến giá dầu gặp áp lực bán nhẹ vào cuối phiên.
Tuy nhiên, một số rủi ro về nguồn cung có thể sẽ tiếp tục hỗ trợ cho giá. Mới đây, người đứng đầu mới của công ty dầu mỏ nhà nước Venezuela PDVSA đã đình chỉ hầu hết các hợp đồng xuất khẩu dầu nhằm xem xét rủi ro vỡ nợ do bán với giá chiết khấu cao kể từ các lệnh trừng phạt thương mại của Mỹ vào 2019. Kể từ ngày 17/1, hầu hết các bến vận chuyển dầu chính của Venezuela, cảng Jose, đều trống và hơn chục tàu đang ở khu vực neo đậu. Bên cạnh đó, nguồn cung từ phía Nga cũng là rủi ro lớn với thị trường trước lệnh cấm nhập khẩu sản phẩm tinh chế của các nước phương Tây. Các chuyên gia kinh tế cho rằng hai lệnh cấm vận cộng lại sẽ làm giảm sản lượng dầu và tổng xuất khẩu của Nga khoảng 1 triệu thùng/ngày vào cuối quý I/2023. Nguồn tin cấp cao của Nga đã đưa ra dự báo trung bình về mức giảm hoạt động của nhà máy lọc dầu ở mức 15% trong năm nay, phù hợp với dự báo chính thức.
Giá ngô tăng phiên thứ 5 liên tiếp
Mặc dù suy yếu sau khi mở cửa phiên hôm qua, nhưng giá ngô đã bật tăng mạnh mẽ trở lại trong phiên tối, với sự tham gia của các nhà đầu tư Mỹ. Một mặt, việc nguồn cung từ Brazil được mở rộng trong tháng này đã gây sức ép lên giá. Mặc khác, triển vọng tích cực của hoạt động xuất khẩu của Mỹ là yếu tố hỗ trợ mạnh mẽ đối với giá. Giá ngô đóng cửa phiên với mức tăng 1,52%, qua đó ghi nhận phiên tăng thứ 5 liên tiếp.
Theo dữ liệu từ Ban Thư ký Ngoại thương Brazil (Secex), nước này đã xuất khẩu 2,94 triệu tấn ngô chỉ trong 2 tuần đầu của tháng này, vượt qua con số 2,73 triệu tấn được ghi nhận cho cả tháng 1 năm ngoái, trong bối cảnh nguồn cung từ Brazil đang rất dồi dào sau vụ mùa bội thu và nhu cầu nhập khẩu ngô quốc tế tăng mạnh. Khối lượng xuất khẩu ngô hàng ngày của Brazil trong 2 tuần đầu tháng này đạt 294.800 tấn, tăng hơn gấp đôi so với mức 130.000 tấn/ngày của cả tháng 1/2022. Điều này càng củng cố thêm cho dự báo của Hiệp hội Các nhà Xuất khẩu Ngũ cốc Brazil (ANEC) rằng nước này sẽ xuất khẩu mức kỷ lục 5 triệu tấn ngô trong tháng 1. Đây là thông tin đã gây áp lực khiến giá ngô suy yếu trong phiên sáng hôm qua.
Ở chiều ngược lại, giá ngô nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ bởi triển vọng xuất khẩu tích cực của Mỹ. Báo cáo Bán hàng hàng ngày (Daily Export Sales) tối qua của USDA cho biết, Mỹ đã bán đơn hàng 150.000 tấn ngô niên vụ 22/23 cho Colombia. Bên cạnh đó, theo dữ liệu từ báo cáo Giao hàng xuất khẩu (Export Inspections), nước này đã giao 774.461 tấn ngô trong tuần 06/01-12/01, tăng 92,33% so với tuần trước đó, đồng thời cũng vượt ngoài khoảng dự đoán của thị trường.
Bảng giá Nông sản
Bên cạnh đó, giá lúa mì cũng tăng mạnh trong phiên hôm qua và đóng cửa với mức tăng 1,08%. Đây là phiên thứ 4 liên tiếp mặt hàng này đóng cửa trong sắc xanh. Mặc dù suy yếu trong đầu phiên, nhưng giá lúa mì đã lấy lại được đà tăng trong cuối phiên nhờ đà tăng mạnh mẽ của giá ngô.
Trong báo cáo tuần này, ANEC đã đưa ra dự báo rằng Brazil sẽ xuất khẩu 753.000 tấn lúa mì trong tháng 1, cao hơn so với mức 446.000 tấn được tổ chức này đưa ra vào tuần trước và mức 695.000 tấn cùng kỳ năm ngoái. Đây là yếu tố kiềm chế đà tăng của giá lúa mì trong phiên hôm qua.
Đà tăng của nông sản thế giới gây áp lực lên ngành chăn nuôi trong nước
Có thể thấy, nhìn chung, giá nông sản thế giới đang ở trong xu hướng tăng khá mạnh và ổn định; tương đối giống với kịch bản tăng vọt vào giai đoạn quý I trong 2 năm vừa qua. Theo MXV, nếu đà tăng của các mặt hàng nông sản thế giới tiếp diễn, thị trường chăn nuôi Việt Nam trong những tháng đầu năm sẽ phải đối mặt với những khó khăn nhất định khi giá nhập khẩu thức ăn chăn nuôi tăng cao. Do đó, các nhà máy cần cân nhắc mua hàng hợp lý cho quý I năm nay.
Trong khi đó, trên thị trường nội địa, giá heo hơi trong nước không cho thấy mức tăng cùng chiều với giá nguyên liệu đầu vào ngành thức ăn chăn nuôi. Ghi nhận trong sáng nay, giá heo duy trì ổn định ở mức thấp, dao động trong khoảng 50.000 – 54.000 đồng/kg.
Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) / baochinhphu.vn
Link nguồn: https://baochinhphu.vn/thi-truong-nong-san-va-dau-tho-noi-dai-da-tang-102230118092633846.htm